Tài liệu gồm 3 nội dung chính: 1. Khái niệm chương trình giáo dục, phát triển chương trình giáo dục mầm non; 2. Sự cần thiết và yêu cầu đối với phát triển chương trình giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ em và bối cảnh địa phương; 3. Hướng dẫn phát triển chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với sự phát triển của trẻ em và bối cảnh địa phương.
Tài liệu gồm 3 nội dung chính: 1. Khái niệm chương trình giáo dục, phát triển chương trình giáo dục mầm non; 2. Sự cần thiết và yêu cầu đối với phát triển chương trình giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ em và bối cảnh địa phương; 3. Hướng dẫn phát triển chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với sự phát triển của trẻ em và bối cảnh địa phương.
Theo bà Silvija Pozenel - cố vấn Giáo dục Chiến lược của VVOB, vài thập kỷ gần đây, bồi dưỡng phát triển chuyên môn thông qua cộng tác đã thu hút nhiều sự quan tâm.
Theo đó, Cộng đồng học tập chuyên môn ngày càng trở nên phổ biến như một hình thức phát triển chuyên môn dựa trên nhu cầu của giáo viên và tăng cường cơ hội cho giáo viên học cùng nhau và học hỏi lẫn nhau.
Có nhiều định nghĩa về Cộng đồng học tập chuyên môn. Có một số điểm tương đồng trong việc xác định các đặc điểm chính của khái niệm này. “Chúng tôi áp dụng cách hiểu: “Cộng đồng học tập chuyên môn gồm một nhóm nhà giáo dục (giáo viên, cán bộ quản lí) cùng nhau thảo luận về các thách thức trong giảng dạy/quản lí.
Họ cùng đưa ra các ý tưởng cải tiến có tính khả thi, thử nghiệm những ý tưởng này trong môi trường thực tế như: lớp học, hội đồng sư phạm… và đánh giá tính hiệu quả của các giải pháp trước khi áp dụng ở diện rộng và phổ biến cho các đồng nghiệp khác, để đảm bảo rằng: nhiều nhà giáo dục có thể hưởng lợi từ việc học này.
Một buổi thảo luận trực tuyến về cách thiết lập Cộng đồng Học tập Chuyên môn. Ảnh: VVOB
Cũng theo bà Silvija Pozenel, bên cạnh các hoạt động bồi dưỡng như: tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, thao giảng… giáo viên còn có cơ hội tham gia Cộng đồng học tập chuyên môn bởi những lợi ích, giá trị của Cộng đồng này mang lại.
Tham gia Cộng đồng học tập chuyên môn, giáo viên được khuyến khích đưa ra các câu hỏi suy ngẫm về thực tiễn dạy học, giúp thầy/cô hiểu sâu hơn về lý thuyết và có kĩ năng áp dụng những nội dung được bồi dưỡng vào thực tế lớp học.
Bằng cách tạo ra không gian và cơ hội để giáo viên thảo luận sâu về lí luận và phương pháp sư phạm, giáo viên ở các cấp có thể tìm ra cách điều chỉnh và áp dụng các phương pháp/kĩ thuật dạy học thành công hơn trên lớp học.
Ngoài ra, Cộng đồng học tập chuyên môn góp phần xây dựng và củng cố các mối quan hệ giữa giáo viên cùng trường, cùng huyện và cùng tỉnh thông qua việc tăng cường sử dụng công nghệ và tham gia các nền tảng trực tuyến sẵn có.
Với trình độ và kinh nghiệm đa dạng của mình, giáo viên có cơ hội giao tiếp, tương tác, hợp tác để xây dựng sự tự chủ và tự tin của bản thân thông qua các cuộc thảo luận có tính thực tiễn cao.
Điều này, sẽ khuyến khích giáo viên làm chủ quá trình phát triển của bản thân thông qua việc tự đánh giá và tự định hướng phát triển chuyên môn; từ đó tăng tính “thường xuyên” trong công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên.
Cộng đồng học tập chuyên môn được xem là một hình thức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống bồi dưỡng thường xuyên.
Biểu đồ Chu trình hoạt động của Cộng đồng học tập Chuyên môn. Nguồn: VVOB.
Cộng đồng học tập chuyên môn vận hành và hoạt động theo chu trình gồm 3 bước: Họp khởi động để thảo luận về nhu cầu của giáo viên; Thử nghiệm và họp chia sẻ; suy ngẫm nhằm cải thiện thực hành giảng dạy.
Cuộc họp khởi động: Mục đích của cuộc họp khởi động là xác định những thách thức trong thực hành giảng dạy và thảo luận về các giải pháp hoặc ý tưởng cải tiến. Đây là hoạt động đầu tiên trong chu trình và thường được tổ chức dưới hình thức một cuộc họp giữa các thành viên.
Thông qua thảo luận, một hoặc hai thách thức sẽ được ưu tiên để giải quyết trong chu trình này. Các thành viên nghĩ ra các giải pháp để cải thiện thực hành giảng dạy trên lớp học của mình.
Sau đó, các thành viên thống nhất về nhiệm vụ của từng thành viên và thiết lập khung thời gian để thử nghiệm các giải pháp. Điều này thúc đẩy trách nhiệm tập thể và khả năng làm chủ của các thành viên trong cộng đồng.
Thử nghiệm: Sau cuộc họp, các thành viên sẽ thử nghiệm các giải pháp trong bối cảnh lớp học của mình. Các giải pháp khác nhau có thể phù hợp với trường hợp, bối cảnh, tình huống cụ thể tương ứng. Các thành viên có thể thử nghiệm một giải pháp nhiều lần ở các lớp học khác nhau hoặc điều chỉnh giải pháp cho phù hợp.
Trong giai đoạn thử nghiệm, giáo viên nên ghi chép quá trình và kết quả thực hiện dưới dạng ghi chú, video, hình ảnh… Việc ghi chép trong giai đoạn thử nghiệm sẽ giúp giáo viên có chia sẻ thực tiễn với đồng nghiệp trong cuộc họp chia sẻ và suy ngẫm ở bước tiếp theo.
Họp chia sẻ và suy ngẫm. Sau thời gian thử nghiệm, các thành viên gặp lại và chia sẻ với nhau về quá trình thực hiện, kết quả đạt được. Bên cạnh đó, các thành viên cần suy ngẫm về bài học kinh nghiệm để chỉnh sửa và đưa ra ý tưởng cải tiến để hiệu quả hơn. Các thành viên sẽ lựa chọn ra các giải pháp được coi là thành công và hiệu quả để chia sẻ với cộng đồng lớn hơn.
Cộng đồng học tập chuyên môn của giáo viên hoạt động hiệu quả nhất khi vận hành dựa trên các sáng kiến do các thành viên đề xuất và tự nguyện tham gia. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ lãnh đạo nhà trường cũng hết sức quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi để giáo viên thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn.
Bà Silvija Pozenel chia sẻ: Tham gia Cộng đồng học tập chuyên môn, giáo viên được khuyến khích đưa ra các câu hỏi suy ngẫm về thực tiễn dạy học giúp thầy/cô hiểu sâu hơn về lý thuyết và có kĩ năng áp dụng những nội dung được bồi dưỡng vào thực tế lớp học. Bằng cách tạo ra không gian và cơ hội để giáo viên thảo luận sâu về lí luận và phương pháp sư phạm, giáo viên ở các cấp có thể tìm ra cách điều chỉnh và áp dụng các phương pháp/kĩ thuật dạy học thành công hơn trên lớp học.